Những tình tiết sáng tạo đắt giá của phim remake Việt

By dvvn thg 12 05, 2019
Không nhiều các tác phẩm làm lại của điện ảnh Việt Nam gặt hái thành công lớn. Để gây ấn tượng với khán giả, đội ngũ làm phim phải đưa ra những sáng tạo hợp lý.

Yêu (2015): Yêu được đạo diễn Việt Max thực hiện dựa trên nguyên tác The Love of Siam (2007) của Thái Lan. Trong phiên bản Việt, hai nhân vật chính thuộc phái đẹp, chứ không phải phái mạnh như nguyên tác. Còn kết phim được làm lại theo hướng có hậu để truyền tải ý nghĩa nhân văn. Điều đáng tiếc của Yêu là bộ đôi Chi Pu - Gil Lê khi ấy còn non kinh nghiệm diễn xuất và chưa thể lột tả trọn vẹn tâm lý phức tạp của đôi nhân vật chính.


Bạn gái tôi là sếp (2017): Bạn gái tôi là sếp được làm lại từ ATM: Er Rak Error (2012) rất nổi tiếng của người Thái. Đạo diễn Hàm Trần đưa ra nhiều chỉnh sửa tính cách nhân vật và tình tiết để phim trở nên hài hước hơn: nhân vật Phi Vân (Lê Khánh) làm hẳn mái tóc hình chó vì quá yêu cún cưng, chàng lái xe Tấn Phát (Hoàng Phi) có tạo hình không còn xuề xòa như bản gốc, cậu con giám đốc do Phở Đặc Biệt thủ vai màu mè và chiêu trò hơn hẳn… Đáng chú ý, nhân vật Cường (Đỗ An) có sự khác biệt rõ rệt nhất khi chấp nhận thua cuộc trước Oanh (Miu Lê), thay vì háo thắng đến cùng như bản gốc.


Em là bà nội của anh (2015): Chính thành công của Em là bà nội của anh hồi cuối 2015 đã giúp phong trào phim remake Tại Việt Nam nở rộ. Dù giữ đến 90% tình tiết ở nguyên tác Miss Granny (2014), tác phẩm của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh kịp đưa ra nhiều thay đổi then chốt về bối cảnh và âm nhạc, giúp thành phẩm trở nên đậm chất Việt. Đặc biệt, phân cảnh bà Đại (Miu Lê) trình diễn trên sân khấu ca khúc Còn tuổi nào cho em của Trịnh Công Sơn giúp bộ phim trở nên gần gũi hơn với khán giả nước nhà.


Yêu đi đừng sợ (2017): Yêu đi đừng sợ là trường hợp tương đối đặc biệt khi được Việt hóa từ kịch bản Hàn Quốc, nhưng bởi đạo diễn quá cố người Mỹ gốc Việt Stephane Gauger. Thành phẩm gây bất ngờ với nhiều sáng tạo khác xa bản gốc Spellbound (2011). Thay vì thiên về kinh dị như nguyên tác, Yêu đi đừng sợ lựa chọn màu sắc hài hước, lãng mạn. Nhiều tình tiết trong phim Hàn bị cắt bỏ hoặc thay đổi để cốt truyện trở nên duyên dáng hơn. Sự sáng tạo càng trở nên rõ rệt ở cuối phim khi câu chuyện quá khứ của Phương (Nhã Phương) được khai thác phức tạp hơn, và dẫn đến cái kết khác xa bản gốc.


Tháng năm rực rỡ (2018): Về cơ bản, Tháng năm rực rỡ giữ nguyên câu chuyện gốc Sunny (2011) nổi tiếng của người Hàn Quốc. Song, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã chuyển thể tương đối mượt mà các chi tiết lịch sử vào bối cảnh Đà Lạt hồi 1974-1975. Phim cũng gây thích thú qua các giai điệu lôi cuốn của Kim ơi (Y Vũ), Vết thù trên lưng ngựa hoang (Phạm Duy, Ngọc Chánh), Ru ta ngậm ngùi (Trịnh Công Sơn)... Đặc biệt, nhà làm phim Dũng “khùng” mạnh tay loại bỏ nhân vật ít đất diễn Seo Geum Ok (Nam Bo Ra) trong nguyên tác để phiên bản remake bớt dàn trải, lê thê.


Anh trai yêu quái (2019): Sau quãng thời gian có phần bết bát, dòng phim remake có dấu hiệu khởi sắc với Anh trai yêu quái. Phim có nhiều cải biên hợp lý so với bản gốc My Annoying Brother (2016) của Hàn Quốc. Ấn tượng lớn nhất là việc bổ sung nhân vật dì Tám (Phi Phụng) tượng trưng cho những bà hàng xóm nhiều chuyện quen thuộc của Việt Nam. Chi tiết giúp nảy sinh nhiều tình huống dở khóc dở cười, cũng như tạo ra kết nối với câu chuyện quá khứ của hai nhân vật chính. Ngoài ra, Anh trai yêu quái còn xây dựng hình tượng nhân vật người anh trai Phong (Kiều Minh Tuấn) có phần láu cá, trơ trẽn và hấp dẫn hơn bản gốc.


Theo: Zing.vn

© Copyright 2017 Dien Vien Viet Nam. All rights reserved.
Powered by Nilead
Hotline: 0338 179 168
Website hiện đang trong quá trình chờ cấp phép.