Bằng chứng vô hình của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh ra mắt trong kỳ vọng về một trong những phim Việt đầu tiên sau dịch, có thể kéo khán giả trở lại rạp. Song, sau 5 ngày chính thức ra rạp, thông tin từ phòng vé cho thấy, chiến thắng doanh thu lại đang nghiêng về Pee Nak 2, một phim Thái vẫn bị nhận xét là hài nhảm.
Với giới bình luận phim, Bằng chứng vô hình gây nhiều tranh cãi. Thực tế, Bằng chứng vô hình thuộc nhóm phim được làm chỉn chu nhưng không có cấu trúc kịch bản tốt. Mạch hành động của phim còn chứa đựng nhiều sơ hở, tình tiết vô lý.
Nhưng không thể phủ nhận phim có một dàn diễn viên đã làm tròn vai, đặc biệt là Phương Anh Đào và Quang Tuấn. Cả hai gây ấn tượng nhờ lối diễn đối kháng, xung đột dù vẫn gặp những khúc mắc về xây dựng tính cách, một phần do những hạn chế của kịch bản.
Chi tiết đáng giá nhất trong Bằng chứng vô hình thuộc về cách xây dựng sự xung đột của đôi mắt giữa hai nhân vật Thu (Phương Anh Đào) và bác sĩ Lê (Quang Tuấn).
Đôi mắt của Thu rất đẹp, trong cả miêu tả trên màn ảnh và diễn xuất của Phương Anh Đào. Nhưng gần như toàn bộ thời lượng phim, đó là đôi mắt… không được phép diễn.
Thu trở thành cô gái khiếm thị sau một lần tai nạn. Biến cố khiến cô buộc phải từ bỏ hoài bão trở thành nữ cảnh sát và sống an phận trong ngôi nhà ngoại ô của mình, với Ben – một chú chó.
Mất đi đôi mắt sáng nhưng Thu vẫn giữ được những giác quan nhạy cảm thiên bẩm và những phán đoán mang tính chất năng khiếu của một cô gái từng theo đuổi giấc mơ cảnh sát điều tra.
Sự thành thục và nhạy cảm của các giác quan ngoài thị giác đã tạo thành thế mạnh giúp Thu phân tích bằng chứng, góp phần tìm ra kẻ thủ ác khi cô vô tình trở thành nhân chứng duy nhất trong một vụ án mạng.
Những vai khiếm thị thường được đánh giá là không dễ diễn. Đảm nhận vai Thu, Phương Anh Đào đã đương đầu với một trong những vai khó trong sự nghiệp và khác hẳn với những nhân vật mà cô từng thể hiện trên màn ảnh.
Không chỉ làm tốt kỹ thuật thể hiện đôi mắt không chuyển động của một người khiếm thị, Phương Anh Đào còn chứng minh được rằng đôi mắt "ngày cũng như đêm" không có nghĩa là vô hồn. Đôi mắt ấy vẫn toát lên được nỗi buồn khi nhớ về em trai hay sự lo lắng khi Hải (Otis) gặp nạn.
Giới bình phim và nhiều khán giả dành phản hồi tích cực cho khả năng diễn xuất và không lặp lại mình của Phương Anh Đào. Dù trên tổng thể biểu cảm khuôn mặt, đài từ, hành động, Thu không phải là vai diễn xuất sắc của nữ diễn viên sinh năm 1992 nhưng cô đã diễn tròn trịa, đủ là điểm nhấn trong phim.
Ngược lại với một Phương Anh Đào luôn phải kìm hãm diễn xuất bằng đôi mắt, Quang Tuấn trong vai bác sĩ Lê lại là một hình tượng nhân vật khác.
Lê là một bác sĩ chuyên khoa mắt và say mê với những đôi mắt đẹp và muốn chiếm hữu chúng. Nhưng say mê quá đà dẫn đến tư duy bệnh hoạn.
Mọi biểu cảm của nhân vật Lê cần Quang Tuấn thể hiện bằng đôi mắt. Những ánh nhìn sợ nhất, tâm lý, gây ám ảnh nhất đều phải được toát ra từ đôi mắt, sau mới đến biểu cảm khuôn mặt hay hành động.
Phim của Trịnh Đình Lê Minh có nhiều cảnh quay cận đôi mắt của Lê, đặc biệt là cảnh trên xe ôtô, trong lần va chạm đầu tiên giữa Lê và Thu. Hiệu quả của góc quay, ánh sáng và diễn xuất của Quang Tuấn trong cảnh này mang đến hiệu quả về mặt cảm giác.
Có nhiều cảnh tương tác, đối diện trực tiếp, đôi mắt của Lê và Thu trở thành chi tiết đối xứng, mâu thuẫn trong phim. Nhiều cảnh quay đôi mắt, gương mặt hai nhân vật gối lên nhau càng làm tăng những pha xung đột.
Một bên phải thể hiện rõ đôi mắt khiếm thị, trong khi bên kia phải chứng tỏ là một đôi mắt sát nhân đáng sợ.
Dù xét riêng ở trường hợp của Quang Tuấn, một số cảnh nam diễn viên lạm dụng kỹ thuật diễn xuất qua đôi mắt, cường điệu không cần thiết. Nhưng đây cũng là một trong những dạng vai khó, ít thấy trên màn ảnh Việt.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho biết sự xung đột về diễn xuất đôi mắt của Quang Tuấn và Phương Anh Đào là một thử thách của phim.
"Phương Anh Đào không được diễn đôi mắt, buộc diễn viên phải diễn với biểu cảm khuôn mặt, trong khi Quang Tuấn trong phim lại bị che đa số khuôn mặt, chỉ lộ đôi mắt, đến tận cuối phim mới được diễn bằng cả khuôn mặt", nam đạo diễn nói.
Cũng theo đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, mâu thuẫn của hai nhân vật, nằm trong cách xây dựng và dự tính ngay từ đầu. Đạo diễn xác định nếu làm tốt điều này có thể trở thành điểm thú vị cho phim.
Trước câu hỏi về diễn xuất đôi mắt của hai diễn viên, nam đạo diễn 8X khẳng định: "Tôi hài lòng với cách thể hiện của Quang Tuấn và Phương Anh Đào".
Trong khi đó, Quang Tuấn nói, anh và Phương Anh Đào có nhiều trao đổi để hòa hợp về diễn xuất, nhất là khi hai nhân vật có những xung đột trong cách thể hiện.
"Phương Anh Đào không được biểu cảm nhiều bằng mắt vì đóng vai khiếm thị, trong khi nhân vật của tôi cần làm nổi bật điều ấy. Do vậy, nhiều cảnh, tôi xác định mình phải vừa thể hiện cho đôi mắt nhân vật của mình, vừa phải thể hiện cho đôi mắt của nhân vật Thu", nam diễn viên cho hay.
Về bạn diễn, Quang Tuấn đánh giá Phương Anh Đào đã làm tốt trong vai khiếm thị với những xử lý thông minh.
"Nhân vật khiếm thị không hề dễ đóng. Đôi mắt khiếm thị là đôi mắt không được chuyển động. Nhìn tưởng dễ đóng nhưng thực ra rất khó khi duy trì một thời gian dài", nam diễn viên nói thêm.
Theo: Zing.vn