Phim hành động của Peter Phạm: Nhiều võ thuật nhưng thoại như ngủ gật?

By dvvn thg 7 23, 2020
“Đỉnh mù sương” chứa nhiều câu thoại “đao to búa lớn", cố gửi gắm thông điệp, song cứng nhắc và thiếu tự nhiên. Đặc biệt đài từ của nhiều diễn viên nhát gừng, ít cảm xúc.

Sau Bằng chứng vô hình gây tranh cãi, thị trường điện ảnh Việt vừa đón nhận thêm phim mới: Đỉnh mù sương. Đây là tác phẩm điện ảnh thuộc thể loại hành động của đạo diễn Phan Anh với sự tham gia diễn xuất của một số võ sĩ chuyên nghiệp như Peter Phạm, Trương Đình Hoàng, Simon Koo.

Bằng chứng vô hình đã không thể kéo đông đảo khán giả trở lại rạp sau dịch, do vậy, Đỉnh mù sương phần nào đó được kỳ vọng sẽ đón nhận những hiệu ứng tích cực.

Tuy nhiên, sau gần một tuần ra rạp, phim nhận nhiều ý kiến trái chiều. Tác phẩm hành động đảm bảo liều lượng nhất định về võ thuật, với những ngón võ thuyết phục về chuyên môn nhưng lại gây thất vọng nặng nề về nội dung, lời thoại và đài từ của diễn viên.

Truyền thống phim hành động thường tạo đất cho diễn xuất võ thuật, với sự linh hoạt của tay chân và những ngón võ nhà nghề, sau mới đến biểu cảm, lời thoại. Đỉnh mù sương tuân theo phong cách ấy. Phim thậm chí đã dành vai chính cho một võ sư thay vì để diễn viên chuyên nghiệp đảm trách với sự hỗ trợ của cascadeur.

Với sự tham gia của những võ sĩ giàu kinh nghiệm, trong cả hai chiến tuyến - chính diện và phản diện - Đỉnh mù sương cũng đã giản lược lời thoại tối đa trong kịch bản.

Phim hanh dong,  thoai bat dong anh 2

Tác phẩm của Phan Anh có rất ít loại, một phần có lẽ từ nhận thức rõ về nhược điểm của dàn diễn viên không chuyên, không có thế mạnh biểu đạt về giọng nói. Do đó, những đoạn hội thoại, tương tác giữa các nhân vật cũng được xây dựng rất ngắn.

Phương pháp này thực tế là một lựa chọn không tệ, thậm chí rất phù hợp về mặt thể loại phim. Nhưng điều gây tiếc nuối là thoại ít nhưng… không chất. Phần lớn lời thoại xuất hiện trong phim thô cứng, như những cài cắm thiếu tự nhiên giữa các màn đấu võ.

Một số đoạn thoại, biên kịch cố gửi gắm thông điệp “đao to búa lớn” như: “nắm đấm không có mắt nhưng người đấm thì có mắt” hay câu chủ đề “Thù hận là thuốc độc, còn trả thù không phải là thuốc giải”... Song do yếu kém về cấu trúc kịch bản, những câu thoại tưởng hàm chứa ngữ nghĩa ẩn dụ lại trở nên sáo rỗng.

Phim còn nhiều câu thoại tỏ ra văn vẻ nhưng rời rạc, hoa mỹ nhưng gượng ép, ẩn dụ mà thiếu chân thực, không cần thiết.

Điều này cũng gây nặng nề về thể hiện cho dàn diễn viên không chuyên. Trong khi, với loại hình điện ảnh và thể loại phim hành động, biên kịch hoàn toàn có thể xây dựng ngôn ngữ tự nhiên hơn, như “lời ăn tiếng nói” hàng ngày mà vẫn thuyết phục được người xem.

Peter Phạm: 'Tôi rụng rời vì dao găm trúng bạn diễn' - VnExpress Giải trí

Phi - nam chính của Đỉnh mù sương - do Peter Phạm, một võ sư chuyên nghiệp, với kinh nghiệm 7 năm làm cascadeur ở Mỹ đóng. Những ngón võ của anh trong Đỉnh mù sương không thể chê bai. Cách tung chiêu trong cuộc đấu võ thuật ở một số cảnh phim đạt hiệu ứng mãn nhãn.

Peter Phạm cũng có một đôi mắt biết nói. Đôi mắt sắc và lạnh, nhất là khi giao đấu với đối thủ và tương tác với kẻ thù. Anh sở hữu ngoại hình nhà võ Á Đông, không lực lưỡng như phương Tây nhưng di chuyển động tác rất nhanh, cuốn hút người xem.

Nhưng đài từ (tiếng nói diễn viên trong thể hiện nhân vật) lại là hạn chế thấy rõ. Ngay những câu thoại đầu tiên của phim, Peter đã chứng minh cho nhận định về lối thoại non nớt, hời hợt, như trả bài.

Một câu thoại khiến người xem phải bật cười nhưng không phải hài hước, thay vào đó, xuất phát từ việc diễn viên thoại nhát gừng: "Chúng ta phải đi tiếp thôi". Giữa tình huống "nước sôi lửa bỏng" của phim, cách thoại như đọc văn bản, trong một câu thoại tệ về kịch bản thực sự gây ngao ngán cho người xem.

Chưa kể, võ sĩ giữ một tông giọng giống nhau từ đầu đến cuối, với mọi nhân vật dù là người thân quen, cộng sự hay phía kẻ thù, đối thủ. Giọng nam tính nhưng cách thoại rất chậm, thiếu cảm xúc, không nhập tâm vào nhân vật.

Trong Đỉnh mù sương, Peter Phạm không phải người duy nhất. Một số diễn viên khác cũng gặp hạn chế về đài từ, trong khi những đoạn thoại nhóm lại không tung hứng, ăn ý được với nhau.

Hai gương mặt có đài từ tương đối tốt lại thuộc về hai diễn viên nhí trong phim. Trong khi diễn viên đóng vai Gà Tre cũng gây ấn tượng, tròn vai.

Phim hanh dong,  thoai bat dong anh 4

Không thể phủ nhận những hạn chế đài từ trước hết xuất phát từ cách xây dựng lời thoại kém, thảm họa của kịch bản. Diễn viên không có nhiều đất để thể hiện, không được cứu từ kịch bản tốt. Ngoài ra, họ cũng đã không chứng tỏ được khả năng thoại cho phim, sống với nhân vật.

Chưa kể, những hạn chế trong khâu hậu kỳ khi tông giọng, tần suất âm thanh giọng nói giữa các nhân vật có những chênh lệch đáng kể, to nhỏ thiếu hợp lý.

Đỉnh mù sương thực tế là một tác phẩm có phần mạo hiểm với sự tham gia của một số diễn viên không chuyên. Phim cũng có những màn võ thuật rất chỉn chu, giới thiệu nhiều cảnh đẹp, gửi gắm một thông điệp cơ bản, mang tinh thần thể loại hành động.

Song, do hạn chế lớn về kịch bản, nội dung thoại, diễn xuất, đài từ, quay phim, hậu kỳ, tác phẩm chẳng những đã chưa mãn nhãn như kỳ vọng, mà độ "mãn nhĩ" cũng thực sự gây tiếc nuối..

Theo: Zing.vn

© Copyright 2017 Dien Vien Viet Nam. All rights reserved.
Powered by Nilead
Hotline: 0338 179 168
Website hiện đang trong quá trình chờ cấp phép.