Phim truyền hình vốn là món ăn không thể thiếu của khán giả màn ảnh nhỏ. Những năm 2010-2015 phim Việt phủ sóng khắp các kênh truyền hình ở nhiều khung giờ. 5 năm qua, nếu phim truyền hình miền Bắc vẫn giữ được sức hút nhờ đổi mới nội dung, cách làm, phim miền Nam lại rơi vào khủng hoảng.
Năm 2018, hiệu ứng mạnh mẽ của Gạo nếp gạo tẻ mang lại niềm hy vọng hồi sinh cho phim truyền hình miền Nam. Đến 2019, Tiếng sét trong mưa tiếp tục thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả, khiến niềm tin ấy càng lớn hơn.
Trong năm 2020, một số dự án phim được đầu tư lớn như Gạo nếp gạo tẻ 2, Vua bánh mì được kỳ vọng sẽ vực dậy mảng phim truyền hình sau thời gian ngủ đông. Tuy nhiên, hai dự án trên cùng hàng loạt phim được ra mắt lại chưa tạo nên sức hút như kỳ vọng.
Được chờ đón sau thành công của Gạo nếp gạo tẻ 1, đến phần hai, nhà sản xuất thể hiện quyết tâm lớn khi mời một dàn diễn viên hùng hậu, với số lượng gần gấp đôi phần một. Hầu hết diễn viên tên tuổi của miền Nam đều có mặt trong dự án này. Với nhiều ưu thế, bộ phim của đạo diễn Hoàng Anh lại không thể làm nên kỳ tích như phần một.
Ngay những tập đầu tiên phát sóng, khán giả đã phản ứng về nội dung của phim. Nội dung kết hợp hiện tại và quá khứ lộn xộn, đôi khi thiếu logic khiến người xem khó chịu. Nếu phần một, rating của phim lên tới 15.0, mỗi tập phát sóng đạt 15-20 triệu view. Đến phần hai, lượt view cao nhất chưa tới 3 triệu view.
Những tháng cuối năm 2020, Vua bánh mì của đạo diễn Nguyễn Phương Điền cũng được chờ đợi. Bộ phim được remake từ kịch bản Hàn Quốc, có sự tham gia của dàn diễn viên chuyên nghiệp. Đa số diễn viên trong Tiếng sét trong mưa được đạo diễn mời đóng Vua bánh mì.
Phim được phát sóng trên kênh THVL, đạt rating cao nhất so với các phim và chương trình khác với hơn 7.6. Nhưng so với Tiếng sét trong mưa, rating từng đạt 15.0, thậm chí có tập lên tới 20.0 thì con số mà Vua bánh mì đạt được khá khiêm tốn.
Bộ phim được chuyển thể từ kịch bản Hàn Quốc, đã được đội ngũ biên kịch cố gắng Việt hóa. Song cũng như nhiều phim Việt khác, Vua bánh mì vẫn rơi vào tình trạng dài dòng, lê thê và tình huống khiên cưỡng. Khán giả còn cho rằng nhân vật chính lý giải sai về nguồn gốc bánh mì.
Kẻ sát nhân cô độc được đánh giá cao khi tham gia Liên hoan truyền hình toàn quốc. Bộ phim theo đuổi đề tài hình sự, đầu tư mạnh về bối cảnh, máy quay phát sóng vào khung giờ vàng của HTV9 nhưng vẫn chưa đủ sức nặng tạo nên hiệu ứng mạnh.
Cuối năm 2020, bộ phim Đường về cồn Nảy của đạo diễn Đỗ Phú Hải lên sóng cũng để lại ấn tượng với người xem nhờ khai thác câu chuyện gai góc về một tử tù tìm đường chạy trốn. Tuy nhiên, bộ phim vẫn chưa thoát khỏi cách làm phim cũ. Do đó, phim cũng chưa để bật lên trở thành điểm sáng.
Câu hỏi này là trăn trở của nhiều người làm nghề trong thời gian qua. Theo đạo diễn Đỗ Phú Hải, phim truyền hình miền Nam hiện còn thiếu đội ngũ viết kịch bản tốt.
Đó cũng là lý do khiến phim truyền hình miền Nam đã bị phim của VFC "vượt mặt". Anh lý giải: "Không chỉ mua kịch bản với cát-xê cao, VFC còn đầu tư cho đội ngũ làm phim trẻ. Vào những năm 2000, họ đầu tư cho đội ngũ làm phim trẻ đi học nước ngoài, tham gia vào các dự án lớn. Lứa được đầu tư từ năm 2000 bây giờ đã có trình độ cao, đạt được thành quả tốt. Họ vừa có trình độ, tầm nhìn và có đi học chuyên nghiệp".
Ngược lại, đội ngũ biên kịch cũng như thế hệ làm phim trẻ ở miền Nam chưa được đầu tư đúng mức. Đạo diễn Đỗ Phú Hải cho rằng vấn đề này vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Trong khi đó, diễn viên Cao Thái Hà nhận định ngoài kịch bản yếu, đội ngũ diễn viên miền Nam còn thiếu và chưa được chọn đúng vai.
"Tôi quay Bão ngầm với đoàn phim Hà Nội, cảm thấy cách làm của họ khác trong miền Nam. Dàn diễn viên từ chính đến phụ, thậm chí người có vài câu thoại cũng đều rất hợp vai, khả năng đồng đều. Vì vậy, khi đóng chung, họ dễ dàng bắt nhịp với nhau", cô nói.
Nữ diễn viên cho biết thêm: "Đoàn phim miền Nam lại ưu tiên chọn những gương mặt trẻ, có hiệu ứng trên mạng xã hội, ngoại hình đẹp... Họ thiếu kinh nghiệm diễn xuất".
Ngoài ra, Cao Thái Hà và đạo diễn Đỗ Phú Hải đều cho rằng thời gian quay gấp rút, chạy nhanh theo tiến độ cũng là hạn chế, khiến phim truyền hình miền Nam chưa thể làm kỹ như VFC.
"Chưa kể, phim truyền hình không có thời gian cho diễn viên chuẩn bị như phim điện ảnh. Nếu phim điện ảnh có 2-3 tháng chuẩn bị, để diễn viên thấm nhân vật từ từ. Đến khi bắt đầu quay, họ đã trở thành nhân vật. Phim truyền hình không có bước quan trọng này", Cao Thái Hà chia sẻ.
Theo: Zing.vn