Nhà sản xuất Thanh Sơn của phim Thang máy có những chia sẻ thẳng thắn về thị trường phim ảnh Việt hiện tại.
- Vào tháng bị cho là thấp điểm trong năm, khán giả chưa mặn mà trở lại rạp chiếu phim, "Thang máy" vẫn khởi chiếu. Anh tự tin vì "Ròm" đã thắng doanh thu?
- Tôi đã nghĩ đến chuyện tháng này mưa nhiều, lượng người xem giảm sút, nhưng vẫn quyết định ra mắt phim vào cuối tháng 10. Ngay cả khi không có Ròm, chúng tôi vẫn giữ lịch phát hành. Phim từng lỡ Halloween 2019, nếu tiếp tục bỏ lỡ dịp này năm nay thì rất vô duyên.
Tôi nghĩ thị trường phim Việt hậu Covid-19 đang đói phim, mọi người có nhu cầu được giải trí. Trong khi đó, phim của tôi ra mắt gần như không có đối thủ về mặt phát hành. Trong cái bất lợi cũng có nhiều lợi thế, nên chúng tôi quyết định đưa phim ra rạp.
- Quyết định ra rạp có phần nào bị ảnh hưởng từ lời kêu gọi của các nhà phát hành và lời hứa hẹn được ưu đãi?
- Quyết định của chúng tôi không ảnh hưởng từ lời kêu gọi của Cục Điện ảnh, nhà rạp hay các hãng phát hành. Tôi và đội ngũ sản xuất đều cho rằng nhà phát hành muốn chúng tôi ra mắt phải có chính sách ưu đãi cụ thể.
Trước đây, nhà phát hành lấy nhiều phần trăm doanh thu, kể cả việc marketing cũng tính tiền. Năm này, nhà phát hành chịu khó khăn, họ mới kêu gọi nhà sản xuất. Câu hỏi đặt ra là các anh làm gì cho chúng tôi mà kêu gọi như vậy?
- Vậy nhà phát hành có ưu đãi gì cho bộ phim của anh?
- Tỷ lệ phân chia là bảo mật trong hợp đồng, nên tôi không thể tiết lộ. Thỏa thuận giữa chúng tôi và nhà phát hành đã được ký kết trước khi có buổi hội thảo về điện ảnh hậu Covid-19. Sau này, tôi có ngỏ lời với nhà phát hành về việc hỗ trợ quá trình ra mắt phim, mặt bằng, nhân sự hoặc truyền thông, nhưng họ vẫn chưa xác nhận gì.
Tôi không biết với các đạo diễn, nhà sản xuất tên tuổi khác như Charlie Nguyễn hay Victor Vũ, sức ảnh hưởng mạnh hơn thì nhà phát hành có thỏa thuận khác không. Riêng với phim của tôi thì không có gì khác. Tôi và đạo diễn đều là người mới trong thị trường, nên đòi hỏi sự ưu đãi của rạp sẽ khá khó.
- Suất chiếu phủ hết các khung giờ như phim "Ròm", chẳng phải đó là sự hỗ trợ với nhà sản xuất sao?
- Không. Thực tế rõ ràng, mùa này đâu có phim nào lớn ra mắt. Rạp phim rất vắng, trống nhiều "slot". Ròm được xếp nhiều suất chiếu chỉ vì rạp đói phim. Hơn nữa, đó là phim gây tò mò, thời lượng không dài, nên chuyện phủ nhiều suất như thế là bình thường. Nhà phát hành cần bán được vé thì mới có tiền. Nếu rạp chiếu lại phim cũ thì ai đi xem.
Tôi không xin rạp phải xếp nhiều suất chiếu, nhưng vì đói phim nên họ sẽ làm điều đó cho bất cứ phim nào lúc này.
- Anh đánh giá gì về mối quan hệ giữa nhà phát hành và nhà sản xuất phim Việt?
- Nói thật, trước những lời kêu gọi của nhà phát hành, các nhà sản xuất đều e dè. Nhà sản xuất vốn phụ thuộc vào nhà đầu tư, nên họ phải có sự tính toán kỹ lưỡng với bộ phim của mình. Đối với dân sản xuất, không có dịch bệnh chắc chắn phải chạy theo nhà phát hành.
- Lần đầu sản xuất phim, tại sao anh chọn một đạo diễn chưa có kinh nghiệm, lại là giáo viên dạy văn?
- Anh Peter Mourougaya từng học chung trường điện ảnh với Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Dustin Nguyễn. Anh ấy về Việt Nam hơn 10 năm làm giáo viên văn học ở một trường quốc tế.
Tôi gặp anh ấy thông qua một người bạn và rất trân trọng niềm đam mê điện ảnh của Peter. Anh ấy xem nhiều phim và thích thể loại kinh dị nên muốn làm phim về đề tài này.
- Anh kỳ vọng thế nào về doanh thu của bộ phim?
- Tôi xác định phim chỉ cần hòa vốn là vui rồi. Chúng tôi không kỳ vọng nhiều vì bản thân chưa phải là nhà sản xuất, đạo diễn có tên tuổi.
Ngoài ra, chúng tôi đã ký hợp đồng với một công ty để bán bản quyền phim ở nước ngoài sau khi công chiếu trong nước. Các nhà đầu tư phim cũng khá thoải mái, không đặt nặng tiền bạc. Họ hiểu chúng tôi mới lần đầu làm phim và yêu thích cách làm việc của tôi cùng Peter.
- Phải chăng vì phim kinh phí thấp nên anh không lo lắng về doanh thu?
- Đối với tôi, 8 tỷ đồng là số tiền lớn. Chúng tôi đã dành dụm, chắt chiu nhiều năm. Tất nhiên, chúng tôi cũng hy vọng phim có doanh thu tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng là tôi cảm thấy hài lòng với đứa con tinh thần của mình.
- Phim kinh dị vốn bị kiểm duyệt khó khăn, bộ phim của anh thì sao?
- Lần này Cục Điện ảnh duyệt quá dễ, ai cũng bất ngờ. Tôi nghĩ phim đưa đi kiểm duyệt sẽ bị cắt cảnh có máu, nhưng cuối cùng Cục không yêu cầu chỉnh sửa kịch bản hay bản chiếu.
Cơ quan Nhà nước hiểu thị trường điện ảnh đang cần phim. Ai cũng hiểu điện ảnh có ngôn ngữ riêng, khán giả cần sướng mắt, đã tai. Do đó, cơ chế duyệt phim thoáng sẽ giúp nhà sản xuất có động lực sáng tạo.
Theo: Zing.vn