Hạnh phúc của mẹ (Huỳnh Đông): Hội Điện ảnh Việt Nam trao giải Cánh diều vàng 2020 hạng mục Phim truyện điện ảnh cho phim Hạnh phúc của mẹ. Việc bộ phim của đạo diễn Huỳnh Đông, do Cát Phương đóng chính vượt qua phim Hai Phượng, Mắt biếc khiến một bộ phận công chúng bất ngờ. Nhiều ý kiến cho rằng Hạnh phúc của mẹ khi ra mắt đã không tạo được hiệu ứng dù là phim không tệ. Ngoài ra, phim từng vấp phải làn sóng tẩy chay liên quan đến lùm xùm của bộ ba Cát Phượng - Kiều Minh Tuấn - An Nguy trong scandal PR bẩn từ phim Chú ơi, đừng lấy mẹ con.
Trả lời về những thắc mắc của dư luận, NSND Thanh Vân - trưởng BGK thể loại phim điện ảnh - khẳng định phim Hạnh phúc của mẹ xứng đáng và cũng nhận được sự đồng thuận cao của hội đồng giám khảo. Bản thân Cát Phượng phủ nhận tin đồn mua giải. "Nếu có tiền thì tôi dành làm từ thiện giúp nhiều mảnh đời còn ý nghĩa. Ai nói gì, tôi cũng không quan tâm đâu", cô nói.
Gái già lắm chiêu 3 (Nam cito và Bảo Nhân): Ngoài chiến thắng của Hạnh phúc của mẹ, giải Cánh diều năm nay còn gây lăn tăn khi trao bằng khen cho phim Gái già lắm chiêu 3. Phim đậm tính giải trí và được cho là có những điểm tương đồng với phim Crazy Rich Asians nhưng vẫn được trao bằng khen. Lý giải về điều này, NSND Thanh Vân cho biết ban giám khảo đánh giá cao Gái già lắm chiêu 3, nếu không có những điểm giống về tuyến nhân vật với phim Crazy Rich Asians, phim thậm chí sẽ được trao giải cao hơn. Ý kiến này khiến khán giả tranh cãi, vì như vậy, Mắt biếc còn thua cả một phim xào nấu ý tưởng.
Chàng vợ của em (Charlie Nguyễn): Trước đó, mùa giải Cánh diều năm 2019 cũng gây tranh cãi khi Chàng vợ của em vượt Song lang để giành giải Cánh diều vàng phim truyện điện ảnh. Mặc dù Chàng vợ của em được đánh giá cao về chất lượng và tay nghề của Charlie Nguyễn ở nhiều khâu thuyết phục được giới trong nghề. Song, việc một phim chuyển thể từ tiểu thuyết nước ngoài đoạt giải gây tranh cãi, nhất là khi giải thưởng của Hội Điện ảnh vẫn được cho là "kỵ" phim có nền tảng nước ngoài như chuyển thể hay "remake".
Cô Ba Sài Gòn (Trần Bửu Lộc - Kay Nguyễn): Năm 2018, giải Cánh diều cũng bị phản ứng khi trao giải quan trọng nhất cho Cô Ba Sài Gòn. Không ít ý kiến cho rằng Cô Ba Sài Gòn là một phim tốt nhưng mạch truyện có những điểm giống với The Devil Wears Prada - Yêu nữ thích hàng hiệu (2006) của Mỹ. Ban tổ chức giải thưởng thậm chí từng cho sẽ xem xét trường hợp của Cô Ba Sài Gòn. Nhưng chung cuộc, phim thậm chí thắng cả hạng mục Biên kịch xuất sắc.
Sút (Việt Max): Cánh diều 2017 thuyết phục khi phim Sài Gòn Anh yêu em được trao giải thưởng quan trọng nhất - Cánh diều vàng. Đây cũng là phim được đánh giá là nổi bật và phù hợp nhất trong danh sách phim dự giải. Tuy nhiên, giải lại gây tranh cãi lớn khi phim Sút của đạo diễn Việt Max có tới hai giải là Nam diễn viên chính (cho Hà Hiền) và Quay phim xuất sắc (Bob Nguyễn). Trong khi Sút nhận về không ít chê bai, thậm chí bị coi như thảm họa. Việc Sút vượt Cha cõng con để đoạt giải Quay phim xuất sắc là một tiếc nuối cho giải thưởng của Hội Điện ảnh.
Cha cõng con (Lương Đình Dũng): Tuy nhiên Sút không phải ồn ào nhất của Cánh diều 2017. Sự việc thu hút quan tâm nhất của dư luận là đạo diễn Lương Đình Dũng đã trả lại bằng khen của Hội Điện ảnh ngay sau lễ trao giải. Phim Cha cõng con chỉ được trao bằng khen trong phim nhận được nhiều lời khen từ người trong nghề, báo giới. Nam đạo diễn sau đó tự nhận mình là “người vô duyên” với giải Cánh diều khi phim ngắn Hạnh phúc đỏ (2004) nhận giải khuyến khích từ Hội Điện ảnh nhưng được tham gia liên hoan phim lớn tại Pháp hay phim ngắn Chuyện ông Mờ (2007) chỉ nhận được bằng khen rồi cuối cùng lại có giải tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo lần thứ 29.
Cuộc đời của Yến (Đinh Tuấn Vũ): Ở Cánh diều 2016, giải thưởng quan trọng nhất của thể loại điện ảnh được trao cho Trúng số. Dù là "bó đũa chọn cột cờ", kết quả này được chấp nhận. Song, Cánh diều bạc lại gây bàn tán khi trao cho cả 3 phim là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Người trở về và Cuộc đời của Yến. Đạo diễn xuất sắc cũng được trao cho Đinh Tuấn Vũ với phim Cuộc đời của Yến. Trong khi so sánh giữa 3 phim, Cuộc đời của Yến bị cho là yếu hơn hẳn. Bản thân đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cũng non tay hơn nhiều đạo diễn của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh hay Trúng số.
Cánh diều là giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, được xem là giải nghề nghiệp, được đề cao tính chuyên môn trong cách trao giải. Giải ra mắt lần đầu vào năm 2003, trao cho những phim sản xuất năm 2002. Từ đó đến nay, giải được tổ chức thường niên vào tháng 3 hoặc 4 hàng năm. Song gần như năm nào giải thưởng cũng gây tranh cãi. Nhiều năm, giải thưởng được trao cho những phim chưa công chiếu, thậm chí nhiều năm sau vẫn chưa công chiếu. Chất lượng của nhiều phim được trao giải cũng là đề tài bàn tán suốt thời gian dài. Thậm chí là những tranh cãi bất tận, không có hồi kết. Những tranh cãi này phần nào làm giảm đi uy tín của giải thưởng nghề nghiệp của lĩnh vực phim ảnh.
Theo: Zing.vn