Thái hậu sử Việt bước từ sách lên màn ảnh quyền lực thế nào?

By dvvn thg 4 17, 2020
Nhiều vị thái hậu lịch sử như Tuyên Từ Nguyễn Thị Anh, Nhân Tuyên Trần Thị Đang hay Từ Cung Hoàng Thị Cúc đã được màn ảnh Việt tái hiện.

Sử Việt không hiếm những hoàng thái hậu uy quyền, chẳng những có con trai ở ngôi chí tôn thiên tử mà còn trực tiếp hoặc gián tiếp can dự vào việc triều chính. Trong đó, nhiều bà hoàng đã được màn ảnh Việt tái hiện như Tuyên Từ thái hậu (Vân Trang - Thiên Mệnh anh hùng), Từ Cung thái hậu (NSƯT Hồng Vân - Ngọn nến hoàng cung) hay mới đây là Nhân Tuyên thái hoàng thái hậu (NSƯT Lê Thiện - Phượng khấu).


Sử Việt ghi nhận có ít nhất 3 thái hậu đã trực tiếp lâm triều nhiếp chính vì tân đế còn nhỏ tuổi là Dương Vân Nga (nhà Đinh), Ỷ Lan (nhà Lý), Tuyên Từ (nhà Lê). Trong đó, nức tiếng về tham vọng quyền lực và chứa đựng nhiều ẩn ức lịch sử hơn cả là Tuyên Từ thái hậu Nguyễn Thị Anh.

Bà Nguyễn Thị Anh tuy không phải là hoàng hậu của tiên đế Lê Thái Tông nhưng do con trai Lê Nhân Tông được thừa hưởng ngôi báu nên thành thái hậu. “Mẫu bằng tử quý”, mẹ vinh hiển nhờ con.

Theo Đại Việt thông sử, năm 1443 Lê Nhân Tông cùng quần thần mang kim sách dâng tôn hiệu cho bà là Hoàng thái hậu. Do tân đế nhỏ tuổi, các đại thần cũng dâng tờ biểu mong bà buông rèm nhiếp chính.

Suốt thời gian nắm đại quyền, Tuyên Từ thái hậu được sử sách đánh giá là có tài trị nước, chẳng những thiên hạ thái bình mà còn mở mang được bờ cõi. Những chiếu chỉ được đưa ra luôn xưng "quả nhân", không thua kém uy quyền thiên tử.

Song, bà Nguyễn Thị Anh cũng bị cho là vị thái hậu tàn độc nhất lịch sử khi vướng nghi án đổ tội giết vua cho Nguyễn Trãi khiến vị công thần và 3 họ bị chém đầu.

Nhóm tác giả Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vĩ trong cuốn Nhìn lại lịch sử dẫn về việc một số nhà nghiên cứu cho rằng, Lê Nhân Tông không phải là con của Lê Thái Tông. Và theo dã sử, Nguyễn Thị Anh chính là chủ mưu sát hại Lê Thái Tông tại vườn vải Lệ Chi.

“Biết Ngô tiệp dư đã sinh con trai mà ngày càng nhiều người đồn đại về dòng máu của Bang Cơ, nhân lúc con mình còn đang ở ngôi Thái tử, Nguyễn Thần phi chủ động ra tay trước. Nhân dịp Thái Tông về thăm Nguyễn Trãi, sợ Nguyễn Trãi gièm pha mình và nói tốt cho Tư Thành nên bà sai người sát hại Thái Tông rồi đổ tội cho vợ chồng Nguyễn Trãi”, trích trong Nhìn lại lịch sử.


Nguyễn Thị Anh sau này nhận kết cục bi thảm. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1459, Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân đang đêm cùng các thủ hạ bắc thang vào tận trong cung cấm giết vua Nhân Tông. Hôm sau Hoàng thái hậu cũng bị giết, thọ 38 tuổi.

Thiên mệnh anh hùng lần đầu tiên đưa nhân vật lịch sử Tuyên Từ thái hậu lên màn ảnh với diễn xuất của Vân Trang. Phim tập trung kể về giai đoạn sau thảm án Lệ Chi Viên nổi tiếng cùng với vụ tru di tam tộc của gia tộc Nguyễn Trãi.

Tình tiết then chốt của phim là việc truy tìm bức huyết thư của một vị thái giám tiết lộ những uẩn khúc, nghi ngờ dẫn tới vụ án Lệ Chi Viên. Nhiều phe phái trong triều tham gia tìm kiếm nhưng thế lực mạnh nhất vẫn thuộc về Tuyên Từ.

Nguyễn Thị Anh hiện lên trong phim là một thái hậu uy quyền nhưng cũng cực kỳ tàn độc. Thái hậu nuôi nhiều sát thủ xung quanh và bất chấp mọi thủ đoạn để có được bức huyết thư.

Phim không nói về kết cục của Nguyễn Thị Anh như lịch sử, câu chuyện dừng lại khi bức huyết thư đến được tay Tuyên Từ và vị thái hậu cũng ngầm hiểu ra những oan nghiệp mà mình đã tạo.

Diễn xuất của Vân Trang trong phim nhận được khen ngợi. Thần thái và giọng nói sắc lạnh đã góp phần thể hiện thành công một thái hậu tham vọng quyền lực. Đến nay, đây vẫn một trong những vai diễn ấn tượng nhất của Vân Trang.

Từ Cung thái hậu, tên thật Hoàng Thị Cúc là phi tần của vua Khải Định, mẹ vua Bảo Đại, đồng thời cũng là vị thái hậu cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam.

Tuy nhiên, cùng với tranh cãi Bảo Đại có thực sự là con của Khải Định - một vị vua được cho là không thích đàn bà, chỉ thích đàn ông - Từ Cung thái hậu cũng là nhân vật còn ẩn chứa những bí ẩn lịch sử.

Trong cuốn sách Bảo Đại – hoàng đế cuối cùng, tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang đã trích dẫn ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử để thấy rằng chính hoàng triều cũng từng nghi ngờ về long thai của Hoàng Thị Cúc.


Theo đó, khi Hoàng Thị Cúc - cung nữ của hai bà Từ Cung và Tiên Cung - loan báo có con với Bửu Đảo, không ít người nửa tin nửa ngờ.

“Để làm rõ sự thật, hai bà Tiên Cung và Thánh Cung đã tìm cách tra hỏi cô Cúc xem chủ nhân của cái thai là ai. Các bà sai đào một cái hố (sâu khoảng hai tấc), bảo cô Cúc nằm xuống, để cái bụng có mang nằm lọt dưới hố rồi dùng roi đánh, buộc cô phải khai ra mình đã thụ thai với người nào. Thế nhưng, cô Cúc cắn răng chịu đựng và chỉ nhất mực khai rằng đã thụ thai với Phụng Hóa công. Thế là hai bà cũng phải thừa nhận và công bố với hoàng tộc rằng Phụng Hóa công sắp có người nối dõi”, trích trong Bảo Đại - hoàng đế cuối cùng.

Nhưng do xuất thân không cao quý, Hoàng Thị Cúc không được đức Tiên Cung xem trọng. Mẹ ruột của Khải Định thậm chí tự tay chăm cháu nội Vĩnh Thụy, chỉ gọi bà Cúc đến cho con bú rồi lại đuổi về.

Bà Hoàng Thị Cúc chỉ thực sự vinh hiển khi con trai là hoàng tử Vĩnh Thụy lên ngôi hoàng đế sau cái chết của vua cha Khải Định.

Năm 1933, Bảo Đại tôn phong cho mẹ mình làm Đoan Huy hoàng thái hậu. Vào sinh nhật hàng năm của bà triều đình tổ chức lễ mừng trọng thể, gọi là Từ Khang tiết nên người trong cung thường gọi bà là đức Từ Cung.

Cuộc đời bà Từ Cung trải qua nhiều thăng trầm. Cuối đời, bà sống ở 79 phố Phan Đình Phùng, Huế trong tình cảnh không mấy khá giả. Bà phải bán dần các món đồ trang sức để lo sinh hoạt nhưng không bỏ bất cứ ngày tế lễ nào của nhà Nguyễn.

Bà cũng không có phước phận gần con cháu. Toàn bộ con cháu của bà đều sống ở nước ngoài, phần lớn thời gian của bà Từ Cung sau năm 1945 là sống một mình, bên người cung nữ cuối cùng.

Nhân vật lịch sử Từ Cung thái hậu phần nào được tái hiện trong phim Ngọn nến hoàng cung của đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng ra mắt năm 2004, qua diễn xuất của NSƯT Hồng Vân.

Phim chia làm 3 phần Hoàng đế thoái vị, Quốc trưởng hồi loan và Tổng thống đăng cơ. Mặc dù không phải nhân vật chính của phim, đức Từ Cung do Hồng Vân đóng có nhiều điểm nhấn.

Phim cũng phần nào mô tả về việc đức Từ Cung không hợp con dâu là Nam Phương hoàng hậu do những khác biệt về văn hóa và tôn giáo. Tuy nhiên, bà lại rất gần gũi và yêu quý thứ phi Mộng Điệp của vua Bảo Đại.

NSƯT Hồng Vân diễn xuất sang trọng, sắc sảo, đặc biệt giọng Huế đậm đặc chất cung đình chiếm được cảm tình người xem.


Ngoài Tuyên Từ thái hậu và Từ Cung thái hậu, một vị thái hậu nổi tiếng khác mới đây cũng được phim ảnh tái hiện là Nhân Tuyên thái hậu Trần Thị Đang.

Theo Đại Nam liệt truyện, sách gia phả nhà Nguyễn, quyển 1 với tên Truyện các hậu phi, bà Trần Thị Đang không phải là chính thất của vua Gia Long.

Nhưng trong số phi tần của vua Gia Long, bà Trần Thị Đang giữ vai trò đặc biệt. Bà là người vợ từ thuở hàn vi của vua Gia Long, có với vua 4 hoàng tử, một trong số đó sau này trở thành vua Minh Mạng, vị hoàng đế được các học giả đánh giá là tài năng nhất triều Nguyễn.

Bà chính thức được tấn tôn ngôi hoàng thái hậu vào năm Minh Mạng thứ 2 (1821) và ở ngôi cao quý nhất cung đình đến tận đời cháu đức tôn Thiệu Trị.

Chính sử cũng ghi chép về việc mẹ đẻ của Thiệu Trị là thần phi Hồ Thị Hoa mất sớm nên đích thân Nhân Tuyên thái hậu đã nuôi nấng Thiệu Trị. Bà cũng là người cương quyết giữ vị trí kế vị cho cháu trai khi mà vua Minh Mạng có ý định nhường ngôi cho con trai của Hiền Phi Ngô Thị Chính.

Vua Thiệu Trị vì vậy hết mực kính trọng đức thái hoàng thái hậu. Nhân Tuyên thái hoàng thái hậu cũng nổi tiếng là người nghiêm khắc, am tường và tiết kiệm. Bà vẫn dạy Thiệu Trị nên nghĩ kỹ về tiết kiệm, chớ xa xỉ về ăn uống hay sửa sang cung điện để làm vui vì “thực không phải là chí của người trước”.

Trong phim Phượng khấu, Nhân Tuyên thái hoàng thái hậu hiện là nhân vật trung tâm của phim, qua diễn xuất của NSƯT Lê Thiện. Nhìn chung, phim cũng có những tìm tòi về lịch sử, tái hiện nhiều chi tiết lịch sử.

Tuy nhiên, phim cũng bị cho là sáng tạo không hợp lý và thiếu logic. Thái hoàng thái hậu Nhân Tuyên hiện lên như một người độc đoán, chuyên quyền, bất chấp mọi thủ đoạn để chứng tỏ quyền lực. Thậm chí là giết và đầy đọa cháu chắt của mình.

Ngoài Nhân Tuyên thái hậu, Phượng khấu còn tái hiện hình ảnh của đức bà Từ Dụ, do Hồng Đào đóng. Trong diễn biến của tập phim mới nhất, Phạm Thị Hằng mới ở hàng Nguyên Cơ và chịu nhiều chèn ép từ thái hoàng thái hậu Nhân Tuyên.

Chưa rõ, với không ít hạn chế về kịch bản ở những tập đã lên sóng, liệu những tập tiếp theo Phượng khấu có thể khắc họa thành công chân dung của Từ Dụ - vị thái hậu có đức hạnh nổi tiếng nhất triều Nguyễn?

Theo: Zing.vn

© Copyright 2017 Dien Vien Viet Nam. All rights reserved.
Powered by Nilead
Hotline: 0338 179 168
Website hiện đang trong quá trình chờ cấp phép.