Nhân vật chính của Võ sinh đại chiến là Khoa (Tiến Hoàng) - một chàng trai có năng khiếu và đam mê võ cổ truyền.
Cậu vốn là con trai của một võ sư nổi tiếng đất Bình Định. Song, Khoa bị mẹ cấm luyện võ sau khi cha qua đời do vết thương trong một trận tỉ thí.
Trên đường lên TP.HCM học đại học, cậu tình cờ làm quen với Trang (Katleen Phan Võ). Thông qua người bạn mới, Khoa tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê bằng cách tham gia câu lạc bộ võ ta của trường. Tuy nhiên, Trang lại là người yêu cũ của Hoàng (Gi A Nguyễn) - tay thủ lĩnh xấu tính của câu lạc bộ MMA.
Sẵn mối bất hòa từ trước của hai bộ môn, Hoàng liên tục thách thức Khoa. Cả hai cùng hẹn đối đầu tại giải đấu liên trường sắp tới. Tuy nhiên, đây cũng là lúc những bí ẩn xoay quanh cái chết của cha Khoa trong quá khứ được hé lộ.
Ngay từ trailer phim, người xem dễ dàng nhận ra mô-típ quen thuộc của Võ sinh đại chiến vốn từng nhiều lần được Hollywood khai thác. Trong đó, nổi bật nhất chính là Never Back Down (2008) và The Karate Kid (2010). Các tác phẩm đều xoay quanh một chàng trai mới đến và lập tức phải lòng nữ sinh xinh xắn, nhưng đồng thời trở thành tình địch với một tay “anh chị” trong trường.
Tác phẩm của đạo diễn Bá Cường bám sát mô-típ kể trên với những tình tiết, mâu thuẫn và cái kết có phần dễ đoán. Đây có thể coi là nước cờ an toàn khi ê-kíp không cố tình phức tạp hóa cốt truyện hay thêm vào những nút thắt mới để tạo kịch tính nhưng có thể gây phản tác dụng.
Điểm trừ của phần nội dung đến từ việc tác phẩm còn ôm đồm nhiều yếu tố. Never Back Down tập trung vào mảng hành động và tình yêu đôi lứa, còn The Karate Kid thì coi nhẹ phần tình cảm và đi sâu khai thác các triết lý võ học. Trong khi đó, Võ sinh đại chiến vừa muốn giới thiệu võ cổ truyền, vừa thêm thắt yếu tố hài hước lẫn chuyện tình tay ba để tiếp cận khán giả.
Từ đây, nhiều tình tiết bị kéo dài lan man không cần thiết. Yếu tố hài bị lạm dụng khiến nhiều phân đoạn trở nên lê thê. Đoạn kết phim cũng còn nhiều điểm chưa hợp lý. Hậu quả lớn nhất là tác phẩm thiếu thời lượng để xây dựng các tuyến nhân vật kỹ lưỡng.
Yếu tố hành động trong Võ sinh đại chiến có thể xem là điểm sáng của điện ảnh Việt trong đầu năm 2021. Phần biên đạo võ thuật của bộ phim khá tốt khi mang đến nhiều trận đấu kéo dài và kịch tính. Tác phẩm không lạm dụng kỹ thuật cắt, ghép cảnh, mà thể hiện rõ những đòn thế của nhân vật.
Đồng thời, ê-kíp còn kỳ công tìm hiểu võ cổ truyền, cụ thể ở đây là võ Bình Định. Những bài quyền nổi tiếng như Hùng kê quyền, Lão mai quyền hay Độc lư thương được tái hiện sống động trên màn ảnh. Không chỉ dừng lại ở tên gọi, chúng còn mang bản sắc và câu chuyện riêng, cũng như những câu khẩu quyết độc đáo.
Các bài quyền vốn mang nặng tính biểu diễn nay được biến đổi một cách hợp lý để có thể áp dụng vào thực chiến. Trong các trận đấu giữa Khoa và Hoàng, Võ sinh đại chiến làm nổi bật được sự khác biệt giữa sức mạnh và bạo lực của MMA với tính hoa mỹ, tốc độ của võ cổ truyền.
Tiến Hoàng hay Katleen Phan Võ đều có căn bản võ thuật nên họ cống hiến được nhiều pha đánh nhanh, đẹp mắt và có lực thực sự. Phần âm thanh được chăm chút, đủ để tăng cảm xúc của người xem trong mỗi trận đánh.
Một điểm cộng khác của bộ phim nằm ở việc đi sâu vào triết lý võ thuật của người Việt là võ đức. Võ đức ở đây là luyện võ để tự vệ, chứ không hướng đến bạo lực, thù hận. Mỗi trận tỉ thí chỉ nhằm mục đích học hỏi và biết xem mình ở đâu, chứ không phải mưu cầu thắng thua.
Sở hữu dàn diễn viên trẻ và ít tiếng tăm, nhưng Võ sinh đại chiến có phần diễn xuất tương đối tốt. Tiến Hoàng vốn là cái tên quen thuộc qua các clip võ thuật trên mạng Internet. Anh thường gắn liền với những vai ít nói, lạnh lùng. Lần đầu lấn sân điện ảnh của “Phong Lăng đại hiệp” có thể coi là thành công, dù đôi lúc còn hơi gượng gạo.
Năm 2019, Katleen Phan Võ từng đóng chính trong Lật mặt: Nhà có khách. Song, cô hoàn toàn bị những cái tên gạo cội như Huy Khánh, Hoàng Mèo lấn át. Đến tác phẩm lần này, người đẹp vào vai một nhân vật có tính cách và độ tuổi tương đồng. Nhờ đó, diễn xuất của Katleen có phần tự nhiên và nổi bật hơn.
Gi A Nguyễn cũng có một vai phản diện tốt so với những lần chỉ được làm kép phụ ít thoại trước đây. Song, phim vẫn đưa vào Nhật Anh (Duy Khánh) - mẫu người đồng tính mê trai cũ kỹ - một cách khó hiểu. Nhân vật có không ít đất diễn, nhưng chỉ mang tới những câu “thả thính” khó chịu và biểu cảm kém duyên.
Một điểm trừ trong mảng diễn xuất đến từ phần đài từ chưa chuẩn. Phim phải dùng phương pháp lồng tiếng để khắc phục, dẫn đến hậu quả hình và âm đôi lúc “lạc nhịp”. Các nhân vật người Bình Định mà vẫn nói giọng miền Nam cũng là một chi tiết thiếu sự đồng nhất.
Nhìn chung, Võ sinh đại chiến là một tác phẩm có sự đầu tư, đặc biệt ở mảng hành động. Phim hoàn toàn có thể ra mắt phần tiếp theo như mong ước của đạo diễn nếu như chăm chút hơn cho các yếu tố khác.
Theo: Zing.vn