Giải mã những nguồn thu trăm tỷ từ mỗi phim truyền hình của VTV

By dvvn thg 8 20, 2019
Không chỉ “Về nhà đi con”, mỗi phim truyền hình gây bão màn ảnh đều có thể mang lại cho VTV hàng trăm tỷ đồng. Đằng sau lợi nhuận “khủng” ấy là gì?

155,5 tỷ đồng là lợi nhuận của VTV từ việc bán quảng cáo trong 85 tập phim Về nhà đi con, chưa tính ngoại truyện và các hình thức quảng cáo khác như chạy banner hay sử dụng nội dung kịch bản phim.

Mức doanh thu này được đánh giá “khủng” nhưng không gây ngạc nhiên. Bởi, trước đó, theo tính toán từ báo giá quảng cáo của Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình của VTV (TVAD), những phim gây bão như Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Cả một đời ân oán cùng từng thu được số tiền hơn một trăm tỷ từ quảng cáo.

Người phán xử từng đạt kỷ lục về giá quảng cáo với 220 triệu đồng cho TVC 30 giây, đây là mức giá chưa có phim nào đạt được trên sóng truyền hình quốc gia. Như vậy, với 10 phút quảng cáo trong bộ phim về thế giới ngầm này, nhà đài có thể thu được hơn 4 tỷ đồng. Với 47 tập, lợi nhuận từ quảng cáo vượt xa con số 100 tỷ đồng.

Những phim khác Sống chung với mẹ chồng, Quỳnh búp bê và đặc biệt là Cả một đời ân oán cũng đã mang lại cho VTV doanh thu tương tự. Cả một đời ân oán kéo dài tới 2 phần với tổng 72 tập, theo tính toán của phóng viên từ báo giá của TVAD, phim cũng đã mang lại cho nhà đài số tiền là hơn 150 tỷ đồng.


Cột mốc doanh thu 100 tỷ đồng từ quảng cáo từng là niềm mơ ước của phim truyền hình Việt nhưng đã ngày càng trở nên phổ biến trong hai năm trở lại đây. Sự lột xác này đã không còn là câu chuyện ăn may mà là thành quả của việc đổi mới công nghệ làm phim liên tục và không ngừng.

Thu tiếng đồng bộ

Gần 3 năm trước, trong cuộc trao đổi với Zing.vn, đạo điễn Đỗ Thanh Hải -giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) - bày tỏ nỗi trăn trở của giới làm phim xoay quanh câu chuyện thu âm và lồng tiếng.

Theo đạo diễn, xu hướng thu tiếng đồng bộ là một tiêu chuẩn mà thế giới thực hiện từ lâu, trong khi Việt Nam “lâu lâu mới có một phim”.

Nhưng, hiện nay, nỗi trăn trở này đã được giải quyết. Theo tìm hiểu của phóng viên, tất cả phim truyền hình được VFC sản xuất 2 năm qua đều được thu âm trực tiếp tại hiện trường như Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Ngày ấy mình đã yêu, Cả một đời ân oán, Quỳnh búp bê, Những cô gái trong thành phố, Nàng dâu Order, Mê cung và gần nhất là Về nhà đi con.

Thu tiếng đồng bộ đã không còn là một xu thế tất yếu mà trở thành một thực tế hiển nhiên của đời sống phim truyền hình. Diễn viên Thu Quỳnh cho rằng hiện nay rất hiếm, thậm chí không còn phim lồng tiếng, thu âm trực tiếp đã thành phổ biến.

Kim Oanh của Những cô gái trong thành phố nhận định đó là một sự tiến bộ, khẳng định phim truyền hình Việt đã bắt kịp thế giới. Theo nữ diễn viên, thu tiếng đồng bộ góp phần không nhỏ vào thành công của các bộ phim.

Trong khi, Thu Quỳnh cho rằng thu tiếng đồng bộ thậm chí còn có thể sàng lọc được diễn viên. Đồng nghĩa, những “bình hoa di động” vừa kém diễn xuất, vừa yếu đài từ đã không thể còn được trọng dụng ở môi trường phim truyền hình chuyên nghiệp.

Giới biên kịch “tham chiến”

Một thời gian dài khán giả từng quay lưng với phim Việt và tìm đến phim Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và cả game show, truyền hình thực tế. Nguyên nhân được đưa ra là phim Việt sáo rỗng, xa rời thực tế, gượng gạo, những câu thoại nặng giáo điều, rao giảng đạo đức và những phân cảnh “chỉ có trong phim”.

Để thoát khỏi tình cảnh đó, VFC - đơn vị sản xuất phim truyền hình lớn nhất hiện nay - đã phải làm một cuộc cách mạng về kịch bản. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải từng nhiều lần khẳng định việc nâng cao chất lượng nội dung kịch bản là một trong những yếu tố được đặt lên hàng đầu.

Những nhà làm phim đã làm nhiều cách để giải quyết vấn đề kịch bản. Đầu tiên là mua bản quyền từ kịch bản nước ngoài với những đại diện tiêu biểu như Người phán xử, Cả một đời ân oán, Ngày ấy mình đã yêu, Sống chung với mẹ chồng…

Cùng với đó là sự đa dạng hóa, phong phú hóa về đề tài. Nhiều đề tài mới mẻ đã được thực hiện, không gian câu chuyện cũng được mở rộng đến các vùng miền… Nhiều đề tài chưa từng xuất hiện trên màn ảnh đã lần đầu được khai thác như thế giới ngầm (Người phán xử), cave và vấn nạn bảo kê (Quỳnh búp bê)…

Với những đề tài cũ như tình yêu, gia đình nhà sản xuất sử dụng cách khai thác khác sao cho chân thực hơn. Đó là trường hợp của Sống chung với mẹ chồngVề nhà đi con. Phim xây dựng những điển hình nhân vật nhưng mỗi khán giả đều thấy gần gũi.


Bình luận với Zing.vn, nghệ sĩ Trung Anh cho rằng sở dĩ Về nhà đi con gây bão vì nó thực sự chân thực. “Xem phim nhưng rất dễ thấy mình trong đó. Những câu chuyện trên phim mà gần gũi như chuyện của người thân, của bạn bè, của đồng nghiệp”, nam diễn viên gạo cội lý giải.

Ngoài ra, một yếu tố không thể không kể đến là đội ngũ biên kịch hùng hậu. VFC có lẽ là nơi duy nhất ở Việt Nam hiện nay tồn tại một đội ngũ biên kịch phim truyền hình có biên chế và làm việc liên tục. Không chỉ còn ngồi trên bàn giấy viết kịch bản như trước, đội ngũ biên kịch hiện nay tham gia trực tiếp cả vào khâu casting, quay phim.

Bên cạnh đó, các biên kịch cũng không ngại “nằm vùng” trên mạng để có những câu thoại gần gũi với dân mạng, và dễ tạo “trend” khi lên sóng.

Công nghệ và truyền thông được đẩy mạnh

Ngoài thu tiếng đồng bộ, diễn xuất diễn viên, kịch bản, sự đồng bộ của mọi khâu chuyên môn, trong đó có kỹ năng và công nghệ làm phim truyền hình trên VTV hiện nay cũng được chú trọng.

Mê cung mới đây thậm chí được khen như một tác phẩm điện ảnh vì có nhiều cảnh quay sáng tạo, trau chuốt. Những góc máy đầy ẩn ý nghệ thuật từng bị cho là không thể có trên truyền hình nhưng Mê cung đã xóa đi một phần định kiến.

Cùng với đó, khoảng 2 năm trở lại đây, máy móc thiết bị làm phim truyền hình đã được đầu tư hơn. Nhiều yếu tố thay đổi dễ nhận biết, ví dụ như hình ảnh, từ chất lượng SD trước đây, các bộ phim hiện nay đã đạt được chất lượng full HD, thậm chí một số bộ phim gần đây của VFC còn đạt chất lượng 4K như Người phán xử, Mê cung.

Đã có những phim truyền hình áp dụng nhiều máy quay cùng lúc, có máy bắt hình toàn cảnh, có máy bắt hình cận. Diễn viên không còn phải luôn chờ đợi vào từng máy, còn đạo diễn cũng có nhiều lựa chọn cảnh hơn khi dựng phim.


Ngoài yếu tố công nghệ, truyền thông mạng xã hội (social media) cũng được các nhà làm phim truyền hình đẩy mạnh. Mục tiêu của truyền thông mạng xã hội là đạt được sự chú ý (attention) của công chúng. Về điều này, VTV đang ra sức tận dụng.

Nhà đài luôn lập fanpage riêng cho từng phim. Khi phim kết thúc, fanpage này vẫn được sử dụng để quảng bá cho phim mới hoặc phim đang lên sóng, vốn chưa có nhiều khán giả biết đến.

Trong một phim, VTV cũng luôn biết cách khơi gợi tò mò, tung trailer của từng tập và tiết lộ tình tiết kịch tính nhất của tập mới. Điều này khơi gợi sự tò mò, tăng tính lan truyền, tương tác và mang lại hiệu quả trên mạng xã hội cho bộ phim.

Ngoài ra, đội ngũ fanpage còn dày công chế ảnh các nhân vật đễ tạo “trend” trên mạng, đăng tải những clip hậu trường hài hước của phim. Các diễn viên cũng thường xuyên sử dụng mạng xã hội để quảng bá tác phẩm mà mình tham gia. Mạng xã hội đang được khai thác triệt để trong chiến lược truyền thông của VTV.

Nhưng tất nhiên, truyền thông cũng chỉ như “hổ thêm cánh”, còn bản chất thành công vẫn là “có bột mới gột nên hồ”.

Theo: 2sao.vn

© Copyright 2017 Dien Vien Viet Nam. All rights reserved.
Powered by Nilead
Hotline: 0338 179 168
Website hiện đang trong quá trình chờ cấp phép.