Phim Việt quá dài tập: Bỗng dưng hóa… chán

By dvvn thg 10 22, 2018
Sự “lên ngôi” của nhiều phim truyền hình Việt Nam hiện nay cho thấy chất lượng phim trong nước đã “lên tay” rất nhiều so với trước kia. Nhưng kéo dài rình rang đến cả 100 tập đã khiến nhiều bộ phim rơi vào cảnh: Đang hay bỗng dưng… muốn chán.
Lý do là bởi kéo dài kịch bản đồng nghĩa với tăng tình tiết, nếu không chắc tay, thì phim rất dễ rơi vào cảnh: Một tập không có gì đáng để nói.

Thời gian qua, bộ phim gia đình “Gạo nếp gạo tẻ” đã thu hút sự quan tâm lớn từ khán giả truyền hình và trở thành top những bộ phim hot nhất. Theo chia sẻ mới nhất của biên kịch - đạo diễn Hoàng Anh, bộ phim sẽ có độ dài 100 tập, thay vì dự kiến là 80 tập như đã công bố trong thời điểm phim chưa chốt giai đoạn cuối.

Sau hơn 2/3 chặng đường phát sóng, từ bộ phim được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện lớn cho truyền hình Việt năm nay, “Gạo nếp gạo tẻ” bỗng giảm nhiệt thấy rõ sau một thời gian dài lên sóng, thậm chí còn khiến khán giả cảm thấy chán nản bởi những tình thiết dài lê thê, không hẹn ngày kết thúc. Quá nửa bộ phim chỉ quanh quẩn với một vài chi tiết cũ cùng những rắc rối mãi chẳng thể giải quyết như chuyện ly hôn của Hương và Công. Hương tìm cách cố níu kéo Công từ tập phim này qua tập phim khác, dài đến nỗi khán giả từ thương xót đến mất cảm tình với cô vợ yếu đuối này.

Và đến thời điểm hiện tại, đến lượt Công quay sang níu kéo đòi quay lại với vợ, khiến nhiều khán giả mất kiên nhẫn khi xem phim. Phim còn khiến khán giả “phát cáu” vì sự thiếu dứt khoát của Kiệt, vì những tranh cãi cứ lặp đi lặp lại trong gia đình Kiệt và Hân.


“Gạo nếp gạo tẻ” tăng tập, khán giả bắt đầu cảm thấy ngán ngẩm vì độ lê thê. Ảnh: Đoàn làm phim

Nếu nhìn vào phim Việt hiện nay, sẽ thấy đa phần độ dài phim từ 40 tập trở xuống. Những bộ “ăn khách” như “Tuổi thanh xuân, Sống chung với mẹ chồng”… cũng ở thời lượng này. Riêng “Người phán xử” ở mức 48 tập, có thêm phần ngoại truyện vì hiệu ứng phim chính rất lớn. Tuy nhiên, ở độ dài tầm 40 tập ấy, khán giả nhiều khi đã phải “mệt mỏi” vì nhiều chi tiết quẩn quanh, có những cảnh vài chục tập không thay đổi, kiểu như vợ của Vũ – nhân vật “anh chị” trong “Quỳnh búp bê” – phim đáng gây sốt hiện nay cứ “mang bầu” mãi không đẻ.

Nhìn sang các quốc gia lân cận, thấy rằng độ dài phim cũng “muôn hình vạn trạng”, không biết thế nào mà kể. Ví dụ Ấn Độ có những seri phim hàng nghìn tập và khán giả cũng không còn thời gian mà theo dõi nữa… Trung Quốc thường đẩy những bộ phim “ăn khách” lên khoảng 80 tập. Nhưng thời lượng phim của họ trong một tập khá ngắn: Khoảng 30 phút một tập. Các bộ phim dài tập này thường là đề tài cổ trang, khi diễn biến cuộc đời nhân vật được khắc họa từ thuở thiếu thời đến lúc về già. Các phim còn lại tầm 24 tập trở xuống.

Hàn Quốc đặc biệt hơn rất nhiều khi phân chia cụ thể: Dòng phim gia đình thường ở mức 50 tập. Các phim chiếu tại 3 kênh đài quốc gia, 3 kênh cáp có số người xem đông chỉ từ 24 tập đổ lại, phổ biến nhất ở mức 16 tập. Thời lượng mỗi tập khoảng 60 đến 70 phút. Vì thời lượng tập phim như thế nên các tình tiết đa phần liền mạch, ngắn gọn, ấy thế mà vẫn có phim không thể tránh khỏi việc bị khán giả “la ó” vì: Lê thê, diễn biến nhân vật không đâu vào đâu.

Mỹ thì hoàn toàn ngược lại, phim truyền hình có thể đẩy lên 9 mùa, mỗi mùa từ 9 đến 24 tập tùy hiệu ứng và rating. Seri “Vượt ngục” ăn khách là thế khi làm phần 5 cũng chỉ dựng 9 tập. Các tình tiết nhanh gọn như phim hành động điện ảnh. Truyền hình Mỹ không có “đất” cho phim không kiếm ra tiền. Nghĩa là phim đó nếu không rating cao, không quảng cáo nhiều… thì chỉ nên thật ngắn gọn mà thôi. Trong khi đó, kịch bản phim truyền hình Mỹ thường được xây dựng bởi những bậc biên kịch “cao tay”, nếu có thêm thời lượng, họ chỉ thêm… 1 tập mà thôi.

Ở Việt Nam, lợi thế là đông khán giả nội trợ xem các phim dài tập, nhưng hạn chế lớn nhất là kịch bản hay “đuối”, mở màn hoành tráng xong… không đâu vào đâu. Ngay cả phim hợp tác nổi đình nổi đám “Tuổi thanh xuân” phần 2 nhiều khi cũng khiến khán giả… ngán ngẩm vì cứ loanh quanh luẩn quẩn chuyện nhân vật chính mất trí nhớ (mô típ quen thuộc của phim Hàn) mãi không nhớ ra. Còn đến lúc lấy lại trí nhớ thì nhạt nhẽo đến chán nản. Thế nhưng, cũng kéo đến 38 tập. Hay như “Zippo, mù tạt và em”, khởi đầu hay ho với dàn diễn viên trẻ, nhưng lại gây nhàm với giai đoạn các nhân vật trưởng thành. Cách đây khá lâu là hiện tượng “Bỗng dưng muốn khóc” của Vũ Ngọc Đãng, kịch bản được khen ngợi hết lời với phần thể hiện xuất sắc của Tăng Thanh Hà và Lương Mạnh Hải. Nhưng dù chỉ với thời lượng 24 tập, càng về những tập cuối, khán giả càng phải thốt lên: “Bỗng dưng muốn chán”.

Kéo dài tập phim, đồng nghĩa với việc đảm bảo tính lô-gíc của phim, mạch phim phải đảm bảo, các tình tiết trong phim phải phát triển phù hợp, điều này, đòi hỏi trước tiên ở biên kịch. Khi yếu khâu biên kịch, thì phim kéo dài lê thê đến 100 tập như “Gạo nếp gạo tẻ” chỉ khiến khán giả cảm thấy mỏi mệt mà thôi.

Có lẽ, các nhà làm phim Việt cũng nên tính đến phương án nghiên cứu kỹ độ dài của phim khi bắt tay sản xuất các dự án truyền hình, bởi nếu cứ kéo dài để tăng quảng cáo, đội chi phí mà chất lượng không gia tăng bao nhiêu thì đồng nghĩa với việc không thể kéo dài được thiện cảm của khán giả với phim ấy nữa.

Chúng ta cần có một đội ngũ biên kịch chắc tay để xây dựng kịch bản phim cho phù hợp với thời lượng. Nói gì thì nói, xem một bộ phim kéo dài cả năm trời lên đến 72 hay 100 tập, cần nhiều kiên nhẫn và sự yêu thích, đâu phải khán giả nào cũng làm được, nhất là khi phim cứ lê thê từ tập này sang tập khác nhưng câu chuyện mãi không đến hồi kết.

Theo PLXH
© Copyright 2017 Dien Vien Viet Nam. All rights reserved.
Powered by Nilead
Hotline: 0338 179 168
Website hiện đang trong quá trình chờ cấp phép.