Cảnh trong vở Tứ đại mỹ nhân
Từ scandal của đại gia ngành lụa đến chuyện showbiz
Khi vở mới của Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B là Bên đàng dệt mộng (tác giả: Phạm Trường Long, đạo diễn: Quách Hồ Ninh) ra mắt, khán giả thú vị nhận ra nhân vật chính trong vở mang dáng dấp của một đại gia ngành lụa nổi tiếng trong nước. Câu chuyện scandal thay đổi nhãn mác Trung Quốc để “hóa phép” thành thương hiệu sản phẩm lụa “made in Vietnam” đã được khai thác.
Thông qua tình huống đó, khán giả đã nhận được thông điệp về trách nhiệm bảo vệ thương hiệu lụa trong nước và đạo đức trong kinh doanh. Khán giả thú vị với chi tiết rất mang tính thời sự này.
Còn vở 18 tuổi (tác giả: Tùng Phi, đạo diễn: Thái Kim Tùng) của Nhà hát Kịch TP.HCM vừa ra mắt và sẽ chính thức khởi diễn từ ngày 29.9, khai thác mặt trái của showbiz khi các cô gái mong muốn trở thành những hotgirl và vô tình tự đưa mình vào cạm bẫy nguy hiểm. Vấn đề này cũng đã được nhắc đến trong vở Tứ đại mỹ nhân (tác giả: Ngọc Trúc, đạo diễn: Tuấn Khôi) của Sân khấu Kịch Idecaf khi đưa vào vở hình ảnh những phụ nữ nhờ một “bậc thầy” trong giới showbiz giúp họ đạt được các danh hiệu với số tiền đầu tư không nhỏ. Câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra khi một phụ nữ vốn chuyên tâm nội trợ cũng có thể trở thành diễn viên chính trong bộ phim do chính mình đầu tư. Những điều này khiến người xem liên tưởng đến chuyện ai cũng có thể bước chân vào showbiz mà không cần biết khả năng đến đâu, hoặc muốn nổi tiếng bằng chiêu trò chứ không phải tài năng thực sự.
Chuyện bùng nổ game show và mặt trái của nó cũng được Sân khấu Thế giới nhỏ chuyển tải trong vở Thiên hà hội tụ (tác giả: Huyền Trân - Cao Tấn Lộc, đạo diễn: Cao Tấn Lộc) và Game ơi là show (tác giả: Trịnh Kim Chi, đạo diễn: Nguyễn Hải Yến) của Sân khấu Kịch Trịnh Kim Chi. Đạo diễn Cao Tấn Lộc khi dựng vở đã chia sẻ: “Có những game show rất ý nghĩa nhưng cũng có game show chẳng mang lại lợi ích gì mà còn gây ra hiệu ứng xấu, khiến người ta sống ảo giữa những hư danh được tạo ra từ các scandal”.
Hơi thở cuộc sống đương đại
Một thời gian dài, nhiều vở diễn tại các sân khấu kịch nói TP.HCM chủ yếu xoay quanh tình huống, câu chuyện đời thường, dung dị. Các vở này thu hút khá đông người xem, nhưng cũng có không ít khán giả cho rằng kịch TP.HCM thiếu hơi thở cuộc sống đương đại. Do đó, việc khai thác yếu tố thời sự, những vấn đề đang “nóng” trong xã hội được cho rằng sẽ giúp vở diễn sống động, chân thực hơn.
“Tôi rất thích đưa những vấn đề mang tính thời sự vào tác phẩm của mình và theo tôi, đó là điều hết sức quan trọng, cần thiết. Cho dù sau đó vấn đề thời sự ấy có được giải quyết hay không thì tác phẩm cũng giúp nói lên lời cảnh báo, nhắc nhở cho xã hội và đó chính là chức năng của văn học, nghệ thuật, trong đó có kịch”, đạo diễn Thái Kim Tùng nói. Hồi đầu năm, anh đã dựng những vở về nạn tham nhũng và lãng phí.
“Nếu yếu tố thời sự trong các vở diễn sau này không còn thời sự thì sẽ là điều đáng mừng vì chứng tỏ xã hội đã giải quyết được vấn đề không hay đó. Nhiệm vụ của đạo diễn sẽ tìm vấn đề, yếu tố khác để đưa vào các vở. Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề mang tính thời sự muôn thuở mà thời đại nào cũng có, ví dụ như sự lệch lạc trong suy nghĩ của tuổi mới lớn, mặt trái của showbiz…, chủ yếu là chúng ta sẽ tiếp cận với vấn đề đó theo cách nào để bình cũ mà rượu vẫn mới”, đạo diễn Thái Kim Tùng bày tỏ.
Theo Thanh Niên